TÂM LÝ TRỊ LIỆU
(Ứng dụng trong lâm sàng và tự chữa bệnh)
Tác giả: Nguyễn Công Khanh
Thay lời tựa
ĐÔI ĐIỀU TRĂN TRỞ
Sau khi được đào tạo khá bài bản theo các chương trình Master về Tâm lý học ứng dụng rồi Doctor về Tâm lý học Lâm sàng tại Australia, về nước tôi tích cực cộng tác với các viện, các trung tâm nghiên cứu, khoa tâm lý, các bệnh viện, các cơ sở tư vấn khám chữa bệnh, nhằm cùng các đồng nghiệp xây dựng và phát triển chuyên ngành Tâm lý học Lâm sàng ở Việt Nam.
Thấm thía lời chỉ dẫn của cố bác sỹ Nguyễn Khắc Viện (người dành trọn hơn một thập kỷ cuối đời mình, suy nghĩ tâm huyết để xây dựng nền tảng cho môn tâm lý học lâm sàng trẻ em ở Việt Nam): “Một người Việt Nam dù có mấy bằng tiên sĩ tâm lý, xã hội, học ở Mỹ hay ở Pháp về nước cũng phải qua một thời gian dài tiếp xúc, cọ sát với thực tiễn Việt Nam mới thực sự trở thành một nhà tâm lý học. Một chuyên gia nước ngoài dù giỏi đến đâu cũng không thể nắm bắt được nhiều khía cạnh của con người và xã hội Việt Nam … chỉ có người trong cuộc (tôi hiểu là nhà tâm lý lâm sàng Việt Nam ) mới hiểu thấu… “, tôi chọn cho mình mô hình “dấn thân, trải nghiệm, chủ động chấp nhận thử thách”, vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, vừa trực tiếp thực hành thăm khám – trị liệu tâm lý tại các cơ sở bệnh viện, trường học để có thể trở thành một nhà tâm lý lâm sàng thực sự có tay nghề.
Cuốn “TÂM LÝ TRỊ LIỆU – ỨNG DỤNG TRONG LÂM SÀNG VÀ TỰ CHỮA BỆNH” được xem như là kết quả bước đầu của quá trình học hỏi, thực hành tâm lý lâm sàng. Trong đó cố gắng kết hợp những điều học được từ các nước tiên tiến với cái vốn tự có phương Đông (bao gồm những hiểu biết về khí công dưỡng sinh, thiền, yoga, và y lý Đông phương) thực hành trên người lớn và trẻ em Việt Nam . Dựa trên những thành công bước đầu, chúng tôi biên soạn thành cuốn sách có “bài bản – kỹ thuật” mang tính công cụ để có thể phổ biến cho người khác (đây cũng chính là những công cụ cần cho những ai làm về tâm lý học lâm sàng).
Chúng tôi xem tâm lý liệu pháp là phần đặc biệt quan trọng trong tâm lý học lâm sàng. Làm chủ được các “kỹ thuật trị liệu” là buổi đầu có cái vốn để làm tâm lý học lâm sàng thực sự. Để biên soạn cuốn sách này, chúng tôi không tự biến mình thành tín đồ của trường phái nào, dù đó là Phân tâm hay Hành vi– nhận thức… Thực tế chúng tôi cho rằng cách tiếp cận “tổng hợp” biết phối hợp điểm mạnh của các trường phái là hợp lý.
Mục tiêu cuối cùng của cuốn sách này là giới thiệu một cách tiếp cận trị liệu tâm lý phức hợp, đa diện, đa phương pháp thích hợp trong điều kiện Việt Nam, kết hợp tính kỹ thuật bài bản của các liệu pháp theo trường phái Phân tâm. Nhận thức–hành vi của Phương tây với những liệu pháp cổ truyền Phương Đông như thở Tính khí công, các bài tập Thiền – Dưỡng sinh – Yoga, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị các chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ em Việt Nam.
Để viết cuốn sách này. chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của các cơ sở (Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi – Thụy Điển; Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương; Trường THCS Chương Dương và Trung tâm Khám chữa bệnh và Tư vấn sức khoẻ số 9 Ngọc Khánh) của các bác sỹ y khoa, bác sỹ tâm thần (điển hình là TS. BS. Hoàng Cẩm Tú, GS. BS. Đặng Phương Kiệt, BS. Đỗ Thuỷ Lan, CNTL Nguyễn Hồng Thuỷ) và của các đồng nghiệp. Vì điều kiện thời gian hạn hẹp, kinh nghiệm trị liệu tâm lý trong lâm sàng còn ít. chúng tôi mong muốn nhận được sự góp ý của tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này.
Xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 8–2000