TÂM LÝ HỌC NHÂN CÁCH - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
Tác giả: NGUYỄN NGỌC BÍCH
LỜI NÓI ĐẦU
Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước ta, Đảng và Nhà nước rất quan tâm vấn đề con người, đặc biệt nhân cách con người. Muốn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước ta thành công thì phải có con người đạo đức và con người trí tuệ. Đó chính là nhân cách.
Nhân cách có nhiều khoa học nghiên cứu: Triết học, xã hội học, văn học, nghệ thuật, kinh tế học, tâm lý học, y học... Ở đây trên quan điểm tâm lý học, chúng tôi đề cập tới những vấn đề lý luận nhân cách.
Do nhu cầu đào tạo học viên cao học tâm lý học và sinh viên học tâm lý học, chúng tôi mạnh dạn biên soạn cuốn sách mang tính giáo trình này nhằm phục vụ các đối tượng trên. Sách còn có ý đồ phục vụ cho những ai yêu mến tâm lý học và có nhu cầu sử dụng nó vào công tác thực tiễn của mình.
Nội dung cuốn sách này có 6 chương.
Chương I đề cập tới những tư tưởng phương Đông cổ đại về nhân cách. Những tư tưởng ở đây chủ yếu là tư tưởng Trung Hoa cổ đại trong các học thuyết kinh dịch, học thuyết Khổng Mạnh v.v... về đạo đức nhân cách.
Chương II đề cập đến tâm lí học phương Tây về nhân cách.Ở đây, chúng tôi không có điều kiện đề cập đến tất cả các trường phái hiện nay có quan hệ về nhân cách.Chúng tôi chỉ đề cập tới các trường phái chính và một ít những quan điểm nhân cách nổi bật hiện nay. Ví dụ như sự thống hợp nhân cách của Vitkin; nhân cách hướng nội, hướng ngoại của Eysench; các kiểu nhân cách của Rorschach; Thuyết hiện sinh, thuyết tương tác nhận thức của Piaget; quan niệm nhân cách theo xu hướng Mác xít của Lucien Seve.
Chương III, đề cập tới xu hướng nghiên cứu nhân cách ở Liên Xô (cũ). Chúng tôi không nêu lên tất cả các xu hướng nghiên cứu nhân cách ở Liên Xô, mà chỉ nêu lên các xu hướng lớn mang tính cách đặc trưng của các tác giả có tên tuổi ở Liên Xô (cũ).
Chương IV, đề cập tới một số vấn đề về tư tưởng của Mác, Lênin, Hồ Chí Minh về nhân cách - đây cũng là cơ sở phương pháp luận để xây dựng khoa học này.
Chương V, khái niệm và cấu trúc nhân cách và một số thuộc tính nhân cách.
Chương này phân loại một số quan niệm về nhân cách, cũng như các loại cấu trúc nhân cách, trên cơ sở đó xây dựng mô hình nhân cách phù hợp.Đặc biệt trong chương này có đề cập tới một số thuộc tính nhân cách như giá trị và năng lực trong nhân cách.Chúng tôi không có ý định nêu tất cả các thuộc tính nhân cách, chỉ đề cập tới vấn đề Tài (năng lực).Đây cũng là vấn đề còn ít được bàn đến.Đất nước ta đang cần những người có đức có tài để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Vì vậy, vấn đề Tài (năng lực) cần phải được quan tâm thích đáng trong tâm lý học nhân cách.
Chương VI, bàn về nhân cách trong tâm lý học xã hội.
Cá nhân trở thành nhân cách khi cá nhân đó hoạt động trong mối quan hệ xã hội, trong nhóm xã hội nhất định.Vì vậy, nhân cách cũng được tâm lý học xã hội coi là đối tượng nghiên cứu của mình.Theo đó, tâm lý học xã hội nên quan tâm đến vị trí và vai trò của cá nhân trong xã hội.Đó chính là những vấn đề nhân cách trong tâm lý học xã hội.
Cuối cùng là những lời tâm đắc của cổ nhân đối với người đời - Âu đó cũng là thay lời kết luận của cuốn sách này.
Tập sách này cũng còn nhiều vấn đề để bàn luận, xin được những ý kiến đóng góp chân thành để có thể hoàn thiện hơn trong những năm đến.
Nguyễn Ngọc Bích