VẤN ĐỀ NHÂN CÁCH
TRONG TÂM LÝ HỌC NGÀY NAY
TRONG TÂM LÝ HỌC NGÀY NAY
ĐÀO THỊ OANH (Chủ biên)
Upload bởi: |
| |||
Link Download: | ||||
Loại tài liệu: | *.Doc |
Sự hiểu biết về nhân cách con người là tiền đề để điều khiển hoạt động của họ một cách có hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội và điều kiện “Nhân tố con người” trở nên cấp bách như Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản
Việt Nam lần thứ 7 đã xác định: Một trong những nhiệm vụ cơ bản của thời kì công nghiệp hoá – hiện đại hoá (CNH – HĐH) đất nước là phát triển nguồn lực con người, thực hiện công bằng xã hội, xây dựng những thế hệ người Việt Nam có đủ bản lĩnh, phẩm chất và năng lực đảm đương xuất sắc sứ mạng lịch sử ngày nay. Muốn vậy, giáo dục và phát triển nhân cách phải là nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục và đào tạo .
Vấn đề nhân cách có ý nghĩa quan trọng nhưng cho đến nay hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu tổng hợp về lí luận nhân cách và phương pháp nghiên cứu nhân cách. Trong khi đó, mảng về trí tuệ đã được quan tâm nghiên cứu khá hệ thống và đã có một số công cụ đánh giá trình độ phát triển trí tuệ được Việt hoá .
Đã có những nghiên cứu về nhân cách. Các nghiên cứu khá đa dạng đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của nhân cách: từ việc phát hiện hiện trạng của một số lĩnh vực như động cơ hoạt động, định hướng giá trị, kĩ năng xã hội,… cho đến việc tác động hình thành một số phẩm chất đạo đức của nhân cách học sinh như: tính kỉ luật, tinh thần trách nhiệm, động cơ xã hội… Mỗi nghiên cứu đều xuất phát từ một quan niệm nhất định về khái niệm nhân cách, về cấu trúc của nó và sử dụng phương pháp đo đạc phù hợp với quan niệm đưa ra. Tuy nhiên, cho đến nay, ở Việt Nam chưa có một công trình nghiên cứu lí luận mang tính hệ thống về nhân cách. Hiện nay trong tâm lí học có nhiều lí thuyết khác nhau về nhân cách, đặc biệt xuất hiện những lí thuyết mới (như Big Five). Vì vậy, việc khái quát, tổng hợp được những quan điểm lí thuyết hiện đại về nhân cách là rất cần thiết để có được cái nhìn bao quát về sự phát triển của chuyên ngành tâm lí học này trên thế giới. Trên cơ sở đó, có được cách hiểu phù hợp về nhân cách, đồng thời lựa chọn được một hệ thống phương pháp nghiên cứu tương ứng. Một nghiên cứu như vậy sẽ có ích cho tất cả những ai quan tâm tới vấn đề nhân cách, nhất là những người công tác trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, tư tưởng .
Cuốn sách này được xem như bước khởi đầu để tập hợp, lựa chọn và chuẩn bị thích nghi hoá một số công cụ nghiên cứu nhân cách vì đây là một hướng nghiên cứu ứng dụng quan trọng bên cạnh các hướng nghiên cứu khác nhằm đưa ra một mô hình lí thuyết cho việc nghiên cứu nhân cách và một số phương pháp chuẩn hoá để đánh giá sự phát triển nhân cách. Ngoài ra, việc đưa ra các con đường hình thành, phát triển nhân cách sẽ giúp cho các nhà giáo dục (theo nghĩa rộng), có thể áp dụng vào công tác của mình góp phần tạo ra những nhân cách phát triển một cách hài hoà, toàn diện, đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại .
Trên cơ sở tập hợp, phân tích các tài liệu mới về nhân cách và các phương pháp nghiên cứu nhân cách, cuốn sách này nhằm tổng hợp và khái quát lí luận tâm lí học về nhân cách, mô hình nghiên cứu nhân cách nói chung cùng với một số phương pháp đánh giá nhân cách có thể ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó còn đề xuất một số con đường hình thành, phát triển nhân cách để các nhà giáo dục có thể áp dụng vào công tác giáo dục thế hệ trẻ .
Các tác giả