GIÁO TRÌNH THAM VẤN TÂM LÝ

GIÁO TRÌNH THAM VẤN TÂM LÝ
Tác giả: PGS.TS. TRẦN THỊ MINH ĐỨC

LỜI MỞ ĐẦU
Trong khoảng mười năm lại đây, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội quá
nhanh ở Việt Nam đã kéo theo những thay đổi và xáo trộn tâm lí của nhiều người, làm tăng cao nhu cầu về dịch vụ tham vấn tâm lí của xã hội. Điều này thể hiện ở sự ra đời và phát triển đa dạng của nhiều trung tâm tham vấn, phòng tham vấn tại các cộng đồng, bệnh viện và các trường học với các dịch vụ trợ giúp tâm lí khác nhau.
Hiện nay, dù Nhà nước chưa cấp mã số cho nghề trợ giúp tâm lí nhưng vị thế của các nhà tham vấn, trị liệu tâm lí đang ngày càng được khẳng định trong xã hội. Vì vậy vai trò của các nhà tâm lí học trong việc đào tạo sinh viên chuyên ngành Lâm sàng và Tham vấn ngày càng được củng cố và nâng cao.
Giáo trình Tham vấn tâm lí này nhìn nhận tham vấn như một ngành khoa học ứng dụng trong thực hành chăm sóc tâm lí con người, được trình bày trong 8 chương. Trong đó, 3 chương đầu làm rõ tính chất khoa học của môn Tham vấn thực hành. Các khái niệm như: trợ giúp tâm lí, tư vấn, tham vấn và trị liệu tâm lí, cũng như mục tiêu, nhiệm vụ được đưa vào ngay trong chương I. Chương II trình bày một cách khái quát quá trình hình thành và phát triển ngành Tham vấn trên thế giới và ở Việt Nam, sự giao thoa của nó với một số ngành trợ giúp lân cận như Tâm lí học, Công tác xã hội, Tâm thần học. Phần giới thiệu một số quan điểm tiếp cận thân chủ trong thực hành thăm khám tâm lí con người được thể hiện trong chương III.
Việc xây dựng mối quan hệ tham vấn dựa trên nền tảng của sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau giữa nhà tham vấn và thân chủ trong thực hành nghề được khái quát trong chương IV. Nội dung chương này sẽ giúp người học có quan niệm đúng đắn về thân chủ và nan đề của thân chủ; giúp người học hướng đến cách nhìn chuyên nghiệp về nhà tham vấn với những phẩm chất và năng lực trong thực hành nghề.
Để giúp người học nâng cao khả năng thực hành nghề, cuốn Tham vấn tâm lí giới thiệu những khía cạnh đạo đức và pháp lí trong thực hành ca (chương V), hướng dẫn một số kĩ năng tham vấn căn bản (chương Vl) và quy trình tham vấn (chương VII). Và cuối cùng, để củng cố những tri thức tiếp thu được qua mỗi chương, chúng tôi xây dựng các bài tập tình huống trong thực hành tham vấn tâm lí. Điều này thể hiện trong chương VIII.
Giáo trình này được chuẩn bị trong nhiều năm. Các nội dung chính của nó đã được đưa vào giảng dạy cho sinh viên dưới dạng bài giảng bắt đầu từ khóa học 1997 – 1998 và được chỉnh sửa, nâng cấp qua mỗi khóa học. Vì vậy, hầu như các tri thức căn bản trong tài liệu này đều ít nhiều quen thuộc với sinh viên các thế hệ ngành Tâm lí học, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có thể giáo trình vẫn còn nhiều điều phải bàn luận và bổ sung. Nhưng, xét trong hoàn cảnh giảng dạy tâm lí học thực hành ở Việt Nam hiện nay. việc ra đời của các tài liệu liên quân đến tham vấn và trị liệu tâm lí, cho dù chưa hoàn thiện, vẫn là hết sức cần thiết, không chỉ đối với sinh viên ngành Tâm lí học, mà còn có ích cho các sinh viên ngành trợ giúp khác, như Công tác xã hội, Tâm thần học. Giáo dục học.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự đóng góp quý báu của các quý vị và các bạn để cuốn sách được hoàn thiện hơn sau này.
Tác giả

ĐỂ ĐỌC ĐẦY ĐỦ TÀI LIỆU VUI LÒNG TẢI VỀ





Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn