GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC GIAO TIẾP
TS. Huỳnh Văn Sơn (chủ biên) - TS. Nguyễn Thị Tứ
Ths. Bùi Hồng Quân - Ths. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Ths. Bùi Hồng Quân - Ths. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
"Giao tiếp thành công đòi hỏi con người không chỉ đến với người khác bằng kỹ thuật giao tiếp
mà còn bằng sự đồng cảm của trái tim, sự nhiệt huyết của tâm hồn và đặc biệt là sự nhạy cảm đích thực của một con người...
mà còn bằng sự đồng cảm của trái tim, sự nhiệt huyết của tâm hồn và đặc biệt là sự nhạy cảm đích thực của một con người...
Lẽ đương nhiên, không thể làm hài lòng tất cả mọi người trong giao tiếp vì khi cố gắng làm hài lòng tất cả thì người đó không còn là mình hay thậm chí trở thành kẻ bất hạnh..."
LỜI NÓI ĐẦU
Tâm lý học không chỉ là khoa học nghiên cứu để giải mã những hiện tượng tinh thần trong đời sống con người trên bình diện lý thuyết mà còn là một khoa học mang tính ứng dụng cao. Việc tìm hiểu tâm lý con người để giải mã những hành vi, thái độ, cảm xúc... mang đến những cơ sở quan trọng nhằm giúp sự tương tác giữa người và người diễn ra hiệu quả.
Vấn đề giao tiếp là một trong những vấn đề căn bản trong đời sống con người. Không có giao tiếp, con người không thể tồn tại. Không có giao tiếp, xã hội như ngừng trệ - không có sự phát triển và những gì thuộc về văn minh con người có thể cũng không tồn tại. Giả định không có giao tiếp là một giả định có thể không bao giờ trở thành sự thật nếu con người còn tồn tại; đơn giản rằng con người còn tồn tại là còn giao tiếp.
Tâm lý học không chỉ chạm đến những vấn đề chung trong đời sống con người mà còn quan tâm đến những biểu hiện đời thường của cuộc sống, những hoạt động của con người trong đó có vấn đề giao tiếp. Với thế mạnh của mình, Tâm lý học nhìn giao tiếp như một hoạt động của đời sống tâm lý, một nhu cầu mang tính người, như một hành vi văn hóa, một hành vi giáo dục và như một nghệ thuật sống. Trên cơ sở đó, Tâm lý học giao tiếp ra đời và trở thành một khoa học mang tính ứng dụng đặc biệt.
Những nguyên tắc hay phương châm sống dưới góc nhìn giao tiếp được Tâm lý học giao tiếp khai thác một cách triệt để trên bình diện Tâm lý học. Không chỉ nhìn về hành vi và cảm xúc của con người để giải mã mà Tâm lý học giao tiếp tiếp cận tất cả những vấn đề đã nêu dưới góc độ tâm lý. Nhìn về giao tiếp như một hoạt động có cấu trúc đặc biệt, “lẫy” những cái lõi của giao tiếp trên bình diện tương tác giữa người và người để đưa ra những nhìn nhận rất tâm lý và rất nhân văn.
Tâm lý học giao tiếp là một chuyên ngành không quá mới nhưng tính lý thú và sự hấp dẫn của nó thì đầy ắp. Những nguyên tắc giao tiếp hay những thủ thuật giao tiếp luôn được bổ sung và hoàn thiện theo những yêu cầu thực tiễn. Những kỹ năng giao tiếp cũng luôn được nâng lên theo thời gian khi con người dần phát triển và xã hội cũng không ngừng tiến lên. Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu các quy luật chung hay các vấn đề giao tiếp trên bình diện khái quát mà Tâm lý học giao tiếp còn xem tiến trình giao tiếp như một chuỗi giao dịch tâm lý, như một sự tương tác đa văn hóa... Đó cũng là yêu cầu rộng mở nghiên cứu Tâm lý học giao tiếp ngày nay.
Để có một tài liệu chuyên biệt về Tâm lý học giao tiếp mang tính hệ thống nhưng cụ thể thật sự là một thách thức. Mặc dù vậy, chúng tôi đã nỗ lực để chi tiết hóa những kiến thức cơ bản nhất về Tâm lý học giao tiếp trên bình diện Tâm lý học trong giáo trình này, hy vọng đáp ứng phần nào nhu cầu của người đọc. Chắc chắn những thiếu sót trong tài liệu là không thể tránh khỏi, mong nhận được sự thông cảm và góp ý chân thành của quý đồng nghiệp và bạn đọc xa gần.
Nhóm tác giả